Võ Nguyên Giáp - vị đại tướng say mê học đàn và chơi đàn piano.
Những ngày này, dòng người nối tiếp nhau hướng về căn nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội để viếng và tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ít ai biết rằng, không chỉ là một vị tướng tài ba, nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất của Việt Nam và thế giới, tướng Giáp còn là người đam mê Âm nhạc và cây đàn Piano, từng là một “học viên piano” mẫn cán miệt mài, với một tâm hồn nghệ sĩ đầy tinh tế và nhạy cảm.
Theo lời kể của những nhân chứng thời gian, từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, tướng Giáp đã mời giáo viên dạy đàn Piano về nhà riêng để học nhạc lý và đàn piano đều đặn mỗi tuần. Được biết, người đầu tiên dạy nhạc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhạc sĩ Tô Vũ, sau đó là cô giáo dạy piano Hồng Hạnh (con gái ông Nguyễn Gia Sinh của ngành Bưu điện- ông là người đã góp phần đào tạo nhiều cán bộ kỹ thuật của ngành Phát thanh.)
“Học viên đàn piano” Võ Nguyên Giáp từng chơi đàn cho Bác Hồ nghe một bản nhạc của Beethoven và một số bản nhạc do nhạc sỹ Việt Nam biên soạn như Trống cơm, Chiến thắng Điện Biên, Trẩy hội đêm rằm. Khi nghe Võ Nguyên Giáp đàn, Bác có nói vui: “Chú đánh hay nhưng có đánh được bài Kết đoàn không?”. Sau câu nói của Bác, Tướng Giáp về học, tập chơi đàn bài Kết đoàn nhưng chưa kịp đàn bài này cho Bác nghe thì Bác đã mất...
Giáo sư, nhạc sĩ Tô Vũ từng đến nhà dạy nhạc lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi tưởng: “Khi dạy ở Trường nhạc (tức Học viện Âm nhạc Quốc gia hiện nay), anh Lê Liêm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – cũng là một vị tướng phụ trách chính trị trong chiến dịch Điện Biên Phủ - tìm tôi, nhờ tôi dạy nhạc lý. Quý trọng anh tôi nhận lời.
Một thời gian sau, anh Liêm giới thiệu tôi dạy nhạc cho Đại tướng. Tôi được đưa đón bằng xe hơi. Lịch học của “anh Văn” rất nghiêm ngặt. Cứ chiều thứ tư và chiều thứ sáu hàng tuần, cơm nước xong anh cho người đến đón tôi. Anh học lý luận âm nhạc, nhạc lý, rồi nhạc cổ điển, dân ca Việt Nam rất nghiêm chỉnh và chăm chú lắm. Cái gì chưa rõ chưa hiểu là anh hỏi đến nơi, rất cặn kẽ từng chi tiết.
Anh ghi chép rất cẩn thận vào từng cuốn sổ riêng. Khi thực tập cùng tôi trên đàn piano, những ngón tay của “anh Văn” rất mềm mại như ngón tay của người nghệ sĩ thực thụ. Trí nhớ của anh tốt lắm. Học đến đâu nhớ đến đó. Tôi kiểm tra từng phần, anh đều trả lời rành rọt chính xác – Đúng là một thầy giáo từng dạy môn lịch sử.
Trường nhạc lúc đó cho đại tướng mượn cây đàn piano khác. Tôi cũng giới thiệu cô giáo Hồng Hạnh dạy cùng trường đến hướng dẫn cho anh đánh đàn. (Hồng Hạnh là con gái của ông Nguyễn Gia Sinh của ngành Bưu điện, là người đã góp phần đào tạo nhiều cán bộ kỹ thuật của ngành Phát thanh). Cô Hồng Hạnh thường khoe với tôi là Đại tướng rất chăm học, say mê cực kỳ, chú ý từng ngón đàn và cách chạy lướt nhanh trên các phím.
Tôi hướng dẫn “anh Văn” trong một thời gian, một hôm anh nói: “Mình mới nghe Lê Liêm vừa đàn vừa hát bài do anh ấy sáng tác về nữ anh hùng vũ trụ Liên Xô Tereshkova. Học nhạc của anh, Lê Liêm đã tự viết được rồi đấy.” Nghe Đại tướng nói vậy, tôi hiểu là “anh Văn” cũng muốn sáng tác âm nhạc. Tôi đã sắp xếp lại chương trình để giúp anh đạt được nguyện vọng thú vị ấy.
Nhưng, tháng 8 năm 1964 giặc Mỹ ném bom miền Bắc, chiến tranh ập đến, tôi phải theo trường nhạc đi sơ tán. Bản thân Đại tướng cũng chẳng có thì giờ để thực hiên ước mơ tự mình sáng tác, rồi tự hát, tự đánh đàn nữa. Bởi anh phải lao vào cuộc chiến đấu với tư cách là vị chỉ huy tối cao, cùng với Bác Hồ, Bộ Chính trị và toàn quân dân quyết chiến quyết thắng…”
Chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp học chơi đàn piano, chúng tôi được nghe kể từ chính người đã dạy ông từ những phím, nốt piano đầu tiên - cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh, vợ nhà văn Đào Vũ. Năm nay bà Hạnh đã 78 tuổi nhưng còn rất minh mẫn, mắt sáng, bàn tay vẫn thoăn thoắt lướt trên phím đàn, hồi tưởng lại khi bà hướng dẫn môn đàn piano cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà kể: “Tôi không chọn cách gọi long trọng là Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà thường gọi anh Văn cho gần gũi, dù anh hơn tôi đến tận hai giáp. Với tôi, anh Văn là người anh đáng kính và cũng là một trong những học trò xuất sắc nhất mà tôi từng hướng dẫn chơi đàn piano.
“Tôi không chọn cách gọi long trọng là Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà thường gọi anh Văn cho gần gũi, dù anh hơn tôi đến tận hai giáp. Với tôi, anh Văn là người anh đáng kính và cũng là một trong những học trò xuất sắc nhất mà tôi từng hướng dẫn chơi đàn piano.
Vào khoảng đầu thập niên 1960, tôi kèm đàn piano cho tướng Lê Liêm (Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam). Anh Văn chơi thân với anh Liêm, thấy vậy cũng ngỏ ý muốn học.
Chừng đầu 1963, tôi bắt đầu hướng dẫn piano cho anh Văn mỗi tuần 2 buổi. Dù chỉ học để thư giãn cho bớt căng thẳng vì công việc nhưng anh học rất nghiêm túc, chăm chỉ luyện tập. Trong những năm tháng đó, tôi cùng gia đình đi sơ tán ở tận Bắc Giang nhưng vẫn thu xếp về Hà Nội dạy đàn đều đặn cho anh mỗi tuần. Anh Văn thông minh lắm nên tiếp thu kỹ thuật piano nhanh, bận đến mấy anh cũng không bỏ học. Mỗi tháng tôi giao chừng 2 - 3 bài mới nhưng anh Văn đều thuộc hết. Nhiều kỹ thuật khá khó, nhất là đối với người nhiều tuổi mới bắt đầu học lại càng khó hơn nhưng bàn tay anh điêu luyện lạ thường trên phím đàn.
Tôi còn nhớ, anh Văn rất mê dân ca Việt Nam, đặc biệt là dân ca quan họ Bắc Ninh. Sau các bài luyện kỹ thuật, những bài đầu tiên anh yêu cầu dạy là làn điệu: trống cơm, qua cầu gió bay, cò lả hay những bài hát về Tây nguyên, chiến thắng Điện Biên… Hai năm sau, tức là năm 1965, tôi bắt đầu đi du học ở Liên Xô thì anh Văn cũng tạm ngừng học đàn. Lúc này, anh đã thạo rất nhiều bản nhạc trong nước, ngoài nước. Anh Văn đặc biệt mê piano. Tôi còn nhớ như in, trong thời gian du học, có lần nhân chuyến thăm Liên Xô, anh Văn còn tranh thủ nhờ tôi ôn bài. Dịp đó, nhiều bản nhạc dân ca Việt Nam đã vang lên ngay trên đất Liên Xô bên cạnh những bản Elise của Beethoven, Roudo của Mozart… qua những ngón đàn khá ngọt của anh. Đầu những năm 1970, tôi về nước và tiếp tục dạy đàn cho anh Văn. Sau này, khi đã thành thạo, anh rất thích chơi 4 tay (2 người cùng đánh một bản nhạc trên một đàn) với tôi.
Anh là một trong những học trò giỏi nhất tôi từng dạy đàn”.
Tổng hợp: TS Nguyễn Tài Hưng, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Nguồn: musiclandvietnam.com
- Cảm thụ âm nhạc: dòng suối dẫn dắt tới đại dương(TS Nguyễn Tài Hưng)
- Những nguyên tắc sư phạm âm nhạc nền tảng P1 (TS Nguyễn Tài Hưng)
- Nhạc cụ Việt Nam
- [Hoc Organ] Tìm hiểu về cây đàn Organ điện tử (Bài 1)
- HỌC ĐÀN GUITAR - Bài 2 - Tìm hiểu Đàn guitar điện (Electric Guitar)
- HỌC ĐÀN GUITAR - Bài 3 - Chọn đàn Guitar Acoustic