Những nguyên tắc sư phạm âm nhạc nền tảng P1 (TS Nguyễn Tài Hưng)

Trở thành nhạc sĩ ư? – thật dễ dàng hay là những suy nghĩ về lối dạy nhạc thông thường, thiếu điểm tựa.

Hãy cho tôi một điểm tựa - tôi có thể nâng cả trái đất (Archimet)

    Tôi đã từng nếm trải những thất vọng cay đắng đầu đời khi mới bảy tuổi. Tôi đã rất yêu âm nhạc. Yêu tới mức tôi mơ tưởng tới ngày được đến trường nhạc và học đàn piano. Tôi đã tới đó với biết bao vui sướng! Tôi đã mường tượng âm nhạc sẽ tuôn chảy từ những ngón tay của mình như thế nào! Nhưng sự việc lại không diễn ra như thế: trường nhạc trở thành một cơn ác mộng thực sự. Tôi đã khổ sở hàng tiếng đồng hồ với mớ nốt nhạc khó hiểu, cố hết sức vạch lối thoát khỏi chúng, như tìm cách thoát khỏi đám rừng rậm nhiệt đới. Những ngón tay hoàn toàn không nghe theo sự sai bảo của tôi, âm nhạc chẳng ra âm nhạc. Trong khi đó cô giáo không hề để ý tới tất cả những chuyện này mà chỉ yêu cầu “em hãy chơi đàn thật truyển cảm, thật truyền cảm vào”.  Thế đấy, hay ghê cơ! Cô ấy định nói về cái đẹp nào thế nhỉ?! Đơn giản là tôi chẳng hề nghe thấy thứ âm nhạc nào trong lúc đánh đàn – chỉ mong sao bấm cho trúng ngón và đúng lúc lên phím đàn đã là tốt lắm rồi! Được cái là trong những giờ học nhạc ở trường phổ thông tôi luôn là “ngôi sao” cơ đấy! Ở đó đám học sinh chúng tôi được nhảy múa vui vẻ, vỗ vào lòng bàn tay những mẫu tiết tấu khác nhau và hát những bài hát yêu thích. Ở đây không có những ký hiệu nốt nhạc và vì thế mọi sự thật dễ dàng!




    Dường như đó là những loại “âm nhạc” khác nhau: một đằng thật vui nhộn và không đòi hỏi khắt khe, còn đằng kia thì đòi hỏi quá khắt khe, căng thẳng và không vui nhộn chút nào. Rốt cuộc cả hai kiểu âm nhạc này đều dạy tôi rất tồi. Chính xác hơn là chẳng dạy được gì cho tôi.
    Mẹ cũng khổ sở cùng với tôi và cũng bất lực vì không giúp được gì - mẹ hiểu biết về nốt nhạc cũng không hơn gì tôi. Cứ như thế, chúng tôi giãy giụa, giống như hai chú cún con giãy giụa dưới rãnh nước. Với cách học hành như thế hứng thú hoàn toàn tan biến ngay trước mắt. Tới mức mà mẹ tôi phải lấy một tờ giấy, chép lại toàn bộ bản nhạc bằng những tên gọi nốt nhạc theo tiếng Nga và dưới mỗi từ-nốt nhạc lại điền vào số ngón tay cần bấm lên phím đàn, sau đó cúi khom người để kiểm tra từng động tác của tôi theo “bản chép nhạc” đó! Tôi chẳng nhớ là phương pháp này có giúp gì được tôi hay không, nhưng dù sao nó cũng an ủi được mẹ tôi phần nào. Tóm lại, cây đàn piano trở thành một thứ dụng cụ tra tấn đối với tôi. Và chắc chỉ nhờ phép màu mà tôi mới không trở nên căm ghét âm nhạc.
    Thế mà rốt cuộc sau này tôi cũng đã có được học vấn âm nhạc chính quy.
    Để hiểu được bằng cách thức ranh ma nào mà tôi đã tốt nghiệp xuất sắc sơ cấp âm nhạc, trung cấp âm nhạc, rồi sau đó là đại học, ta cần phải nhớ lại một câu chuyện ngụ ngôn cũ:
-    “Bạn đã trở thành triệu phú bằng cách nào?” 
-    “Ồ, đó là một quá trình gian khổ và lâu dài! Trên một con phố, tôi đã tìm được những quả táo giá 10 cent, còn ở một phố khác chúng có giá 30 cent. Tôi đã mua táo theo một giá và bán theo giá khác, phần lãi thừa ra tôi đút túi!”
-    “Và rồi …?”
-    “Thì sau đó ông bác giàu có của tôi qua đời và để lại tài sản thừa kế cho tôi”.
Món tài sản thừa kế bất ngờ tôi nhận được hóa ra lại là … phép nhiệm màu. Có một lần tai nghe tuyệt đối của tôi được “khám phá” ra.. “Tai nghe tuyệt đối” – đó là khả năng bẩm sinh đoán được các nốt nhạc với đúng cao độ âm thanh chuẩn xác của nó. Đơn giản đó là khi bạn nhận biết được nốt nhạc nào vang lên ở cao độ nào. Điều này cũng giống như một sự tỉnh ngộ. Đột nhiên tôi tìm được một điểm tựa, và trước mắt tôi bỗng hiện ra cả một thế giới âm nhạc tuyệt vời! Tôi bắt đầu thỏa thích ghi lại các giai điệu lên giấy. Và trong lúc ghi lại hàng trăm giai điệu khác nhau, tôi đã thầy được tất cả được được xếp dặt thế nào trên thực tế. Hóa ra – trong âm nhạc, mọi thứ thật đơn giản và hợp lý! Chỉ cần có một điểm tựa để có thể thấy và hiểu được điều này. Và tôi rất muốn để mỗi người đều nhận thấy được điều đó. Thấy - và muốn HỌC.



    Tôi bắt đầu thấy rất bực bội với những ai tiếp tục tin rằng, âm nhạc nghiêm túc là một thứ gì đó khổ ải và buồn tẻ. Và thế là tôi quyết định trở thành người thầy dạy nhạc.
Từ thuở nhỏ, tôi đã có đầy rẫy những vấn đề vướng mắc với âm nhạc, nhiều hơn so với bất cứ một học viên xuất sắc thông thường nào khác. Tôi đã tập hợp nguyên cả một bộ sưu tập “những hòn đá ngầm chìm dưới mặt nước” và bắt tay nghiên cứu chúng. Việc này trở thành thú tiêu khiển của tôi – học cái gì cần học. Học tập, và sau đó là làm việc, từ đó tôi đã không thể tin vào những phương pháp dạy học quen thuộc thông thường nữa. Tôi đã biết được rằng: nếu không đầu tư suy ngẫm cho điều mình đang làm, trong vòng nửa giờ, chúng ta có thể làm mất điểm tựa suốt cuộc đời cho học sinh của chúng ta. Và nếu rốt cuộc chúng ta tìm được cách thoát khỏi những vấn đề vướng mắc – chắc chắn những học trò của chúng ta cũng sẽ gặp may!


TS Nguyễn Tài Hưng (Học viện Âm nhạc Quốc gia VN)

Bài viết của www.musiclandvietnam.com

(Update: 01/2015)

                                            (Sao chép phải ghi rõ nguồn)