Cảm thụ âm nhạc: dòng suối dẫn dắt tới đại dương(TS Nguyễn Tài Hưng)
Dĩ nhiên có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng cảm thụ âm nhạc và sự phát triển sau này như: năng khiếu bẩm sinh, môi trường gia đình và lớp học, thầy cô và phương pháp giảng dạy hiệu quả. Năm ngoái, với vai trò là người soạn chương trình giáo dục cảm thụ âm nhạc cho trẻ em Gogo Music tôi đã cùng các cô giáo Huyền Trang (Âm nhạc) và Thanh Thủy (Ngoại ngữ) test thử thẩm âm (độ chuẩn xác về cao độ, tiết tấu của tai nghe âm nhạc) cho khoảng 50 cháu trong độ tuổi từ 4-6 và 7-11. Kết quả test cho thấy có 90% các cháu đạt loại khá (8/ 10 điểm), 20% đạt loại giỏi và xuất sắc (9,0/ 10 điểm). Trong đó, số cháu đạt kết quả cao nhất lại nằm trong độ tuổi từ 4-6. Qua tìm hiểu chúng tôi cũng nhận thấy các cháu đạt kết quả cao thường là những cháu được cha mẹ quan tâm tới các hoạt động ca hát từ khi còn rất nhỏ (2-3 tuổi). Cùng một bài test (âm nhạc & tiếng Anh), nhiều cháu lớn hơn, ở độ tuổi từ 10 - 11 tuổi, mới tiếp cận với lớp âm nhạc, đạt kết quả không cao bằng các cháu thuộc nhóm Mầm non. Từ đây cho thấy, vai trò của việc tiếp cận với âm nhạc, ngoại ngữ từ bé (từ khi các cháu còn chưa biết chữ) có ảnh hưởng lớn tới mức nào tới độ nhạy bén cảm thụ và trí nhớ thính giác âm nhạc/ ngôn ngữ của các cháu ở độ tuổi mầm non.
"Cảm thụ âm nhạc" không chỉ đơn thuần là một môn học, bản chất của hoạt động cảm thụ âm nhạc cho thiếu nhi là tạo ra một môi trường chuẩn mực và hấp dẫn nhất để các cháu nhỏ đến với âm nhạc một cách tự nhiên và say mê nhất. Bằng các hoạt động đa dạng như: ca hát (luyện tai nghe, thẩm âm của bé), nghe nhạc (nhạc cổ điển của các thiên tài âm nhạc có chọn lọc), vận động cơ thể theo bài hát (các trò chơi, nhảy múa), làm quen và phân biệt âm thanh các loại nhạc cụ, giao tiếp, ứng xử với các bạn cùng lứa (các bài hát, màn kịch nhỏ, thể hiện các trạng thái vui, buồn; tán đồng hoặc phê phán...), nhận dạng và diễn tả các hình ảnh thường thấy trong gia đình và môi trường xung quanh thông qua ngôn ngữ âm nhạc, phát triển vốn từ vựng tiếng Việt cũng như ngoại ngữ thông qua các bài hát, bài học song ngữ...
Có nhiều bậc phụ huynh thường ngỏ ý muốn cho con học đàn khi cháu mới được 3-4 tuổi. Về vấn đề này, có thể có nhiều quan điểm khác nhau. Với vốn kinh nghiệm của một giảng viên nhiều năm giảng dạy chuyên ngành đàn phím cho các cháu thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, cá nhân tôi cho rằng, trong phần lớn các trường hợp, các cháu ở độ tuổi 3-6 tuổi có thính giác và trí nhớ âm nhạc phát triển rất nhanh, tuy nhiên đa phần các cháu chưa có đủ độ tập trung và kiên trì để có thể ngồi học đàn (trong 15 phút cũng đã là khó). Ngoài ra với một số nhạc cụ như piano chẳng hạn, độ vững vàng gân cốt, lực của các ngón trên bàn tay của phần lớn các cháu trong độ tuổi này cũng chưa phát triển đủ để thực hiện các thao tác cần thiết trên phím đàn. Việc "ép" các cháu học đàn quá sớm cho "theo kịp chúng bạn" cũng có thể mang lại hiệu quả ngược, thay cho sự ham thích âm nhạc lâu dài, hệ quả có thể sẽ là sự buồn tẻ uể oải và chán nản, thậm chí "chán ghét" nếu bị ép thái quá. Như vậy, trước khi quyết định cho con em mình học một loại nhạc cụ nào đó, các bậc phụ huynh nên đưa con em mình trực tiếp tới gặp và tham vấn những giảng viên, chuyên gia sư phạm âm nhạc có kinh nghiệm để có được quyết định phù hợp nhất với từng cháu bé.
Môn học Cảm thụ âm nhạc cho thiếu nhi hiện nay được đưa vào ở một số trung tâm đào tạo âm nhạc, với nhiều phương pháp, hình thức đa dạng. Các bậc phụ huynh cùng các cháu trong độ tuổi có thể trực tiếp tham dự và tìm hiểu các lớp học này để chọn được chương trình phù hợp nhất. Con đường đến với âm nhạc không bao giờ là sớm quá và cũng không bao giờ là quá muộn. Cảm thụ âm nhạc chính là dòng suối tuổi thơ dẫn tới đại dương âm nhạc.
TS Nguyễn Tài Hưng
(Học viện Âm nhạc Quốc gia VN)
Bài viết của www.musiclandvietnam.com
(Sao chép phải ghi rõ nguồn)